Bài học: Ba Mẹ Chào Tạm Biệt Con Vào Mỗi Buổi Sáng

Như ba mẹ đã biết, trường đã áp dụng quy trình tạm biệt mới cho bé và ba mẹ, mà vốn đã được áp dụng cho các bé dưới 12 tháng từ rất lâu rồi. Để giúp ba mẹ có một cách tiếp cận và cách nhìn đúng về vấn đề này, trường sẽ ghi chi tiết quá trình thực hiện như sau:

Chuẩn bị: Ba mẹ, bé và những đồ đạc bé cần mang theo tới lớp.

Trình bày:

  1. Ba mẹ đến cổng, thấy có giáo viên trực để chào đón bé, mọi người sẽ chào nhau, đây sẽ là nơi bé được học cách chào nhau trong xã hội như thế nào, xin đừng ép bé phải chào, bé sẽ tự thẩm thấu nếu như người lớn làm tốt việc của mình.
  2. Ba mẹ cho bé xuống xe, không bồng bé vào mà sẽ cho bé tự đi bộ vào cùng một khi bé đã đi được. Đối với một số bé đã quen bồng sẽ cần một ít thời gian trước khi quen với việc này, trong quá trình làm quen ba mẹ lắng nghe và động viên con.
  3. Đến chỗ quy định ba mẹ cùng bé ngồi xuống cùng tháo giày dép và cất vào chỗ quy định (có ghế và kệ để ba/mẹ làm cùng bé).
  4. Ba mẹ sẽ mở cửa và cùng bé đi vào đến chỗ cất cặp, cho cặp và những thứ bé mang theo vào chỗ quy định. (Nếu như có gì thắc mắc ba mẹ hỏi cô giáo chỗ nào để cất cái gì)
  5. Ba mẹ ngồi xuống chào tạm biệt bé (ôm hôn, vẫy tay chào, v.v.), chào tạm biệt các cô giáo và các bé nếu như điều đó không làm phiền họ.

Chú ý phát sinh nếu đã làm đúng mà bé vẫn còn níu kéo (đối với bé đã quen với lớp):

Ba mẹ ngay từ ở nhà sẽ cho con biết rõ hơn cách thức chia tay ở lớp học, ví dụ: “Sáng nay ba sẽ đưa con đến lớp, mình sẽ cùng nhau tháo giày dép, bước vào lớp, cất cặp và chào tạm biệt nhau trước khi ba đi làm nhé.” Việc dứt khoát sau khi nói lời tạm biệt là rất cần thiết, kể từ khi bé bước vào làm quen tại môi trường học cho tới khi bé đã quen với môi trường ở đây, ba/mẹ đã nói tạm biệt là ba mẹ sẽ đi, chứ không phải vì sự níu kéo của con mà ba mẹ lại chần chừ ở lại. Điều đó chỉ khiến bé cảm thấy bất ổn và níu kéo nhiều hơn.

Điểm gây hứng thú cho các bé:

  1. Sự vui vẻ, háo hức khi được gặp lại mọi người.
  2. Câu nói chào hỏi nhau giữa những người lớn với nhau.
  3. Được chịu trách nhiệm từ việc tự bước đi, cất đồ dùng, thậm chí chỉ cho ba mẹ chỗ nào cất đồ.

Chú ý:

  1. Ba mẹ cần phải đến sớm 10 phút để có đủ thời gian cùng con làm những việc này mà không phải vội vã.
  2. Khuyến khích sự tự lập của con nhưng không để con có cảm giác phải tự trách nhiệm hết với mọi thứ, vì nó quá tải so với con, con sẽ cảm thấy sợ vì phải chịu trách nhiệm quá lớn.
  3. Nếu ba mẹ đến vào giờ các bé đang làm việc, ba mẹ chỉ ở ngoài và giao bé cho cô, lúc này không còn cô đứng trực ở ngoài nữa, ba mẹ đưa bé cho cô và cô sẽ giúp đưa bé vào.

Lợi ích ba mẹ đạt được:

  1. Ba mẹ được trải nghiệm và hiểu hơn cách tương tác với con để con hợp tác.
  2. Được tham gia cùng với con trong môi trường con đang sinh hoạt.
  3. Sống chậm lại, tĩnh tâm hơn.